Cuối cùng, con đại bàng trong ngành du lịch đã gẫy cánh. Ngày 23/9 cơ quan quản lý hàng không Anh, có 1 thông báo ngắn gọn: Mọi hoạt động lữ hành và hàng không của ThomasCook, đã ngừng lại từ thời điểm này. Ngay sau đó, Peter Fankhauser, chủ tịch điều hành của ThomasCook, có thông cáo báo chí nhận trách nhiệm và xin lỗi toàn thể nhân viên và hàng triệu khách hàng của mình. 150 nghìn khách du lịch Anh đang ở nước ngoài cần đưa về nước, sẽ trở thành cuộc hồi hương lớn nhất trong lịch sử nước này.
Trong 70 năm, đây là lần thứ ba ThomasCook đứng sát ngưỡng cửa địa ngục, và rất tiếc lần cuối này, đã không có thiên thần nào giang tay cứu vớt.
CÁI CHẾT ĐƯỢC BÁO TRƯỚC
Năm 2010, Best Tours Belgium, công ty du lịch hàng đầu tại Bỉ với lượng khách lớn tới châu Á, đóng cửa sau 30 năm hoạt động. Một thời gian ngắn sau đó, Kuoni, 1 tour operator lẫy lừng khác ở Châu Âu, mua lại xác chết này với tham vọng vực dậy và chiếm lĩnh thị trường Bỉ.
Các năm tiếp theo, lác đác trên các thông cáo báo chí, nêu các tên tuổi lần lượt bị thôn tính hoặc dừng kinh doanh. Có thể kể ra Nouvelles Frontiere của Pháp, Neckerman của Đức, Apollo của Thụy Điển, Tumlare của Đan Mạch... Làn sóng thứ nhất diễn ra, các Tour Operators làm mass tourism (du lịch đại trà) nhưng ở quy mô khá và trung bình, dưới áp lực cạnh tranh, hoặc bắt buộc bị đào thải, hoặc bị cá mập lớn thôn tính.
Đây cũng chính là giai đoạn các ông lớn ở Châu Âu ráo riết thực hiện các chiến dịch M & A. Ngoài Best Tour Belgium, Kuoni mua hàng loạt các công ty du lịch tên tuổi khác như Voyages Jules Verne France, Carrier UK, BestTour Italy. Ở mảng online, Kuoni mua GTA, kênh B2B bedbank (bán phòng khách sạn) hàng đầu khu vực. Ở mảng quản lý điểm đến (detination management) Kuoni mua Asian Trails. Suốt nhiều năm, với lượng khách khủng và dòng khách cao cấp, Kuoni làm mưa làm gió tại các điểm đến châu Á. Công ty lữ hành bản địa nào có hợp đồng với họ, sẽ là 1 sự đổi đời.
Ngày nay nhắc tới Kuoni mọi người chỉ còn nhớ đến VFS Global, nhánh kinh doanh rất thành công của họ, chuyên dịch vụ visa cho các sứ quán trên thế giới, mà tất cả công dân Việt Nam muốn đi Anh, Úc, Hà Lan… đều phải qua. Toàn bộ mảng tour, mảng dịch vụ điểm đến, mảng online đã được bán. Kuoni chỉ còn là cái bóng, của chính họ.
Với quy mô toàn cầu của mình, ThomasCook làm những cú M & A để đời. Năm 2007, ThomasCook sát nhập với My Travel Group UK, công ty du lịch hàng thứ 3 tại quốc đảo. Năm 2010, họ tiếp tục hợp nhất với The Co-operative Travel, nhánh du lịch thuộc The Co-operative group, tập đoàn siêu thị bán lẻ hàng đầu nước Anh. Sự kết hợp này tạo ra một công ty với quy mô có khả năng độc quyền thị trường, dẫn tới sự việc phải được đệ trình và phê chuẩn bởi ủy ban giám sát cạnh tranh Anh.
Bên cạnh đó, họ liên tục mở rộng hoạt động tại châu Âu, với sự có mặt ở hầu hết các nước lớn Đức, Pháp, Hà Lan, Nga, Ba Lan… qua việc mở chi nhánh lữ hành độc lập hoặc mua lại công ty bản địa danh tiếng như Oger Tour và Neckerman của Đức, InTourist của Nga. Nhánh Airlines cũng không kém phần sôi động với việc bổ sung và hoàn thiện tạo thành đội bay gần 120 chiếc xuất phát từ các sân bay lớn châu Âu. Ở mảng nghỉ dưỡng, ThomasCook tự đầu tư, hợp tác đầu tư hoặc nhượng quyền hơn 200 khách sạn dưới 9 thương hiệu, tập trung chủ yếu các điểm đến tại Nam Âu, Châu Phi và Châu Á.
Với hệ sinh thái đầy đủ và đa dạng, kiểm soát dịch vụ từ gốc tới ngọn, cùng số lượng khách hàng khổng lồ mười mấy triệu khách 1 năm, không ai ngờ một ngày nào đó, Thomas Cook lại sụp đổ.
ĐỜI KHÔNG ĐẸP NHƯ MƠ
Tổ chức kinh doanh lữ hành thành công không có nghĩa là sẽ giỏi trong việc vận hành 1 hãng hàng không, 1 chuỗi khách sạn hay đội du thuyền, dù ai cũng nói rằng tôi sẽ thuê những người xuất sắc nhất về làm cho mình. Với đội máy bay gần 120 chiếc, vận hành tại các thành phố lớn ở châu Âu, Thomas Cook Airlines có thể coi là 1 hãng cỡ vừa. Tuy nhiên, khác với các hãng hàng không truyền thống độc lập, ThomasCook chỉ tập trung vào dòng khách du lịch của mình. Họ không phát triển hệ thống bán vé máy bay truyền thống qua đại lý, không đẩy mạnh kênh bán vé online trực tiếp như các hãng giá rẻ, không có dòng khách thương mại, khách thương gia. Mùa cao điểm công suất bay có thể rất tốt, nhưng những tháng thấp điểm với lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, trong khi sunk cost (chi phí cố định) là không đổi, đã gặm nhấm hết lợi nhuận của hãng. Đây cũng chính là điều là TUI, địch thủ cạnh tranh trực tiếp của họ, đang vận hành gần 150 máy bay tại châu Âu, gặp phải. Để tối ưu hóa lợi nhuận, họ chuyển hướng đầu tư và hiện là chủ sở hữu của 17 đại du thuyền (cruise ship) và gần 400 khách sạn ở các điểm đến châu Á và Nam Âu. 70% lợi nhuận của tập đoàn tới từ nguồn này, giúp họ có dòng tiền và nợ luôn ở ngưỡng an toàn.
Thời đại 4.0 và sự thay đổi chóng mặt của Internet cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh. Tour du lịch trọn gói (holiday package), sản phẩm chủ lực của các tour operators, đã hoàn toàn mất tính thời sự với lượng bookings giảm sút nghiêm trọng. Mọi thứ phơi bày trên internet, con người chỉ cần vài cú nhấp chuột và vài phút lướt web, thông tin đã đầy đủ trong lòng bàn tay. Sự tự tin và hiểu biết các điểm đến đã xóa tan đi e ngại về những vùng đất xa lạ và kích thích 1 nhu cầu luôn sẵn sàng bùng nổ của khách du lịch: Tự trải nghiệm và khám phá.
ThomasCook đã không theo kịp thời cuộc. Duy trì 1 hệ thống bán hàng offline với chi phí vận hành đắt đỏ, có hàng trăm điểm bán tour tại các con phố sầm uất bậc nhất London cũng như các thành phố lớn khác (Highstreet), nhưng tỉ lệ chỉ có 1/7 số lượng khách bán qua các kênh này. Áp dụng công nghệ mới (digitalization) cũng rất chậm rãi và bảo thủ, dù cách đây hơn 10 năm ThomasCook đã bỏ ra gần 22 triệu bảng Anh mua Hotels4U.com, 1 kênh bán phòng khách sạn B2C.
Tệp khách hàng lỏng lẻo dần. Dòng khách trung thành hầu hết là về hưu, trên 65 tuổi, có mức chi trả kém và ngày một vơi đi. Các lớp trung niên kế cận với thu nhập cao, giờ quá quen với Internet, đặt tour trễ và thích chủ động với kỳ nghỉ của mình, hơn là theo cách truyền thống đến giờ đánh kẻng đi ăn, đi chơi, đi ngủ. Các kênh bán vé máy bay online (Expedia), bán phòng (booking.com), các hãng hàng không giá rẻ bán trực tiếp B2C (RyanAir, EasyJet)… nổi lên mạnh mẽ, với ngân sách quảng cáo không giới hạn, cùng sức mua khủng khiếp để ép giá nhà cung cấp, có giao diện thân thiện cho khách hàng dễ dàng tìm kiếm và đặt dịch vụ, giành giật một khối lượng lớn khách hàng.
ThomasCook, cũng như nhiều Tour Operators khác chới với. Vài dấu hiệu bất thường đã xảy ra.
Sau cú sảy chân suýt đóng cửa vào năm 2011 và chỉ được cứu phút cuối bằng một thỏa thuận giãn nợ và bổ sung thêm 100 triệu bảng Anh vào chi phí hoạt động, năm 2012 ThomasCook India, niềm tự hào lâu đời nhất tại châu Á phải bán cho FairFax, tập đoàn đầu tư tài chính của Canada. Năm 2014, Gold Medal iếp tục được bán cho Dnata (tập đoàn đầu tư cảng hàng không danh tiếng của UAE), Năm 2016, The Co-operative Travel rút khỏi liên doanh và bán phần hùn của mình cho ThomasCook. Năm 2015, ThomasCook thành lập liên doanh ThomasCook China với Fosun (tập đoàn đa ngành của Trung Quốc) và nhận được hậu thuẫn tài chính của Fosun với việc bỏ ra gần 92 triệu bảng mua gần 10% của ThomasCook.
Những tưởng dòng tiền đó tạm đủ để bù đắp những mất mát tài chính, hậu quả của những sai lầm suốt một thập kỷ trước, mà nặng nề nhất là vụ sát nhập My Travel Group với việc gánh thêm hơn 1 tỉ bảng Anh nợ nần. Sự lùng nhùng Brexit và sụt giảm nhu cầu du lịch do thời tiết mùa hè nóng nực tại châu Âu hai năm gần đây là cú knock-out cuối cùng. Nửa đầu 2019, theo thông lệ kinh doanh lữ hành, lượng tiền mặt do khách hàng trả tiền trước khá dồi dào đủ bù đắp tài chính, nhưng từ cuối quý ba, với việc đến hạn thanh toán cho các đối tác nhà cung cấp và lượng khách sụt giảm, dòng tiền (cashflow) chính thức bị gãy. Chủ nợ yêu cầu làm thủ tục phá sản.
Đã có những vụ đàm phán gấp rút với Fosun và tập đoàn Trung Quốc này đã đồng ý về mặt nguyên tắc rót 450 triệu bảng Anh, đổi lại 75% cổ phần của ThomasCook mảng lữ hành và 25% ThomasCook mảng hàng không, dù việc này sẽ làm các cổ đông nhỏ lẻ của Thomas Cook, người đang nắm giữ hơn 50% cổ phần công ty, có thể mất trắng. Nhưng thỏa thuận vẫn không diễn ra, ThomasCook tóm lấy cái phao cứu sinh cuổi cùng bằng việc kêu gọi chính phủ giải cứu với 200 triệu bảng Anh vay trợ cấp. Thực tế trong quá khứ việc này từng xảy ra. Năm 1947, ThomasCook gặp khủng hoảng vì hậu quả của Thế chiến 2, với vị thế doanh nghiệp quốc dân chính phủ đã giang tay cứu, bỏ tiền ra quốc hữu hóa và đặt dưới quyền quản lý của công ty đường sắt Anh (British Railways) trước khi trở lại mô hình công ty tư nhân năm 1972. Lần này thời thế đổi thay, lịch sử không lặp lại, chính phủ Anh, cũng như trường hợp Monarch Airlines năm 2017, đã từ chối trợ giúp với lý do đây là hoạt động kinh doanh đơn thuần, và khách hàng của ThomasCook - các công dân Anh, đã được bảo vệ quyền lợi bởi các công ty bảo hiểm tư nhân và ATOL protection (chương trình bảo hiểm khách hàng của cơ quan quản lý hàng không Anh, đảm bảo ngân sách để đưa mọi công dân Anh về nước)
ThomasCook đã sụp đổ. Một vài năm nữa việc tái cấu trúc diễn ra và có thể một ThomasCook mới, với mô hình kinh doanh khác ra đời. Nhưng sự mất mát của người này lại là cơ hội của người kia. Hơn 1 triệu khách du lịch Anh, những người đã trả tiền cho ThomasCook cho chuyến du lịch của mình, hẳn sẽ không ở nhà mà gặm nhấm nỗi buồn. Trong ngắn hạn từ 6 tháng tới 1 năm tới, đây sẽ nguồn khách du lịch khổng lồ cho các công ty du lịch khác, mà TUI là điển hình 1 con cá mập lớn đang sẵn sàng chờ mồi. Các hãng lữ hành Việt Nam đón nhận như nào, sử dụng hệ thống quản trị phần mềm du lịch để có thể thích ứng với thời đại cạnh tranh internet hay vẫn sử dụng phương án truyền thống để quản trị giản đơn không kết nối.
@nguồn từ facebook tungnguyen